Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Tôi đi làm tình báo( Ba Tôi)

Hồi còn trai tráng, đến nhà sách nhân dân thấy cuốn sách có tựa: "Tôi đi làm tình báo"
Thấy cũng ngộ ngộ vì vừa đi làm tình vừa đi làm báo thì còn gì hay bằng. Mua về đọc mới biết rằng nhân vật chính trong sách đi làm tình báo thời đế cuốc mẽo xâm lăng. Từ ấy trong anh bừng nắng lạ, khoái chuyện tình báo tây lẫn ta. Giờ góp vào đây vài chuyện về mấy ông tướng anh hùng tình báo của quê ta vạn tuế.  
Chuyện 1: Ông Ba Trần & giai thoại 3 ông giải phóng 2 bà. 


Thiếu tướng Trần Văn Danh, tên thật là Trần Văn Bá (tức Ba Trần) sinh năm 1923, quê ở Hóc Môn, Sài gòn. Đang học trường Bá Nghệ (bây giờ là trường Kỹ thuật Cao Thắng) thì cách mạng tháng 8 diễn ra. Anh Bá xếp bút nghiên gia nhập đội trinh sát khu 7 với bí danh Ba Trần. Đến năm 1949 được thăng chức tham mưu phó tỉnh Thủ _ Biên kiêm trưởng ban quân báo tỉnh. Tập kết ra bắc được phong cấp thiếu tá và đi học trường An ninh. Năm 1960, ông vào nam lãnh chức Trưởng ban tình báo chiến lược trực thuộc Ban Quân sự Miền

Trong cương vị này, Ba Trần bắt tay xây dựng lại ngành tình báo cách mạng bằng cách tuyển chọn cán bộ từ ban địch tình (của xứ uỷ Nam bộ trước đồng khởi). Vì sau bảy năm từ khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, với chính sách tố Cộng vô cùng dã man, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giết, bỏ tù hàng loạt cán bộ làm cho lực lượng tình báo cách mạng gần như tan rã, tê liệt hoàn toàn. Mưu trí hơn, Ba Trần cho tổ chức điều nghiên và lợi dụng sự sơ hở của địch do mâu thuẫn nội bộ để giải cứu các cán bộ tình báo đang bị giam cầm rồi bố trí hoạt động trở lại, vụ giải thoát ông Mười Hương là thành công lớn nhất. Sau đó, Ba Trần đã từng bước “cài” được các chiến sĩ tình báo vào các cơ quan đầu não của đối phương như: dinh Độc Lập, Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, bộ tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa, cơ quan đặc ủy trung ương tình báo, bộ tư lệnh hải quân của Sài gòn, bộ tư lệnh Đệ nhất Hạm đội Hoa Kỳ... Qua đó, Ban tình báo chiến lược đã thu thập, khai thác được nhiều thông tin tối mật của địch kịp thời cung cấp, phục vụ cho việc chỉ đạo chiến tranh của R & Hà nội. Suốt thời gian đánh Huê kỳ Ba Trần kiêm nhiệm nhiều chức vụ, nhưng lúc nào cũng là Trưởng ban tình báo chiến lược B2. Có lúc Ba Trần được đề bạt làm Phó tham mưu trưởng Ban Quân sự Miền, nhưng ông vẫn phải trực tiếp phụ trách tình báo, đặc công, biệt động. 


Ngay vào lúc gần 1 giờ khuya đêm 30 tháng 4 năm 1975, giữa Sài Gòn vừa được giải phóng, trước sự có mặt của Thượng Tướng Trần Văn Trà – Tư lệnh Miền, ông Phạm Hùng – Bí thư Trung ương Cục đã trịnh trọng tuyên bố:

- Bây giờ thắng lợi rồi, anh Trần Văn Danh đã hoàn thành nhiệm vụ. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi công bố : thăng đồng chí Trần Văn Danh hàm thiếu tướng, nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố về an ninh và quốc phòng, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Sài Gòn – Gia Định (1).

Sau năm 1975, ông thôi chức Tư lệnh lực lượng vũ trang TPHCM, Phó chủ tịch TPHCM & đã đề ra phương án xây dựng nhà máy Thủy điện Trị An và được chấp nhận. Sau đó, Trần Văn Danh được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Điện lực, kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình Thủy điện Trị An. 

lượm lặt từ sách đọc chơi cho vui: 

3 ông giải phóng 2 bà 




Không phải chỉ lừng danh trong hoạt động chỉ huy tình báo, Ba Trần còn là người trực tiếp chỉ huy trận mạc rất kiên cường, táo bạo. Trong chiến dịch Phước Long chuẩn bị mở màn cuộc Tổng tiến công mùa xuân đại thắng 1975 đã xuất hiện một giai thoại khá thú vị là: “Ba ông giải phóng hai bà”. Trong chiến dịch này Ba Trần được giao trực tiếp chỉ huy trận đánh chiếm núi Bà Đen, một trung tâm viễn thông chiến lược quốc tế, thu tin mã thám và là đài không lưu thông báo cho B52 cùng các loại chiến đấu cơ của địch bay đi oanh tạc ở miền Bắc và hai nước Cam-pu-chia, Lào trên bán đảo Đông Dương; cùng lúc thực hiện nhiệm vụ thứ hai là thu hút hỏa lực của lữ đoàn 81 biệt kích dù, các phi đội chiến đấu F5E của quân đoàn 3 ở Biên Hòa, sư đoàn 25 bộ binh ngụy... 

Trước khi bước vào đợt hai mùa khô năm 1975 theo nhận định chung của Bộ tổng tư lệnh, tình hình quân địch ở chiến trường B2 đã có một số thay đổi. Cái đau nhất của Mỹ, ngụy là công việc bình định, mà chúng đã bỏ ra công sức và tiền của, đến lúc ấy đã bị thất bại nặng nề. Thất bại rõ nét nhất lại là ở đồng bằng sông Cửu Long nơi đông dân và giàu có mà chúng mong làm chỗ dựa cuối cùng. Sau khi đã cố sức mở các cuộc hành quân tái chiếm và giải tỏa trong tháng Giêng ở biên giới Kiếân Tường - Chợ Gạo - Mỹ Tho, Thầy Phó - Trà Vinh, Thới Bình - Cà Mau, khu vực Rạch Giá đi Hà Tiên mà không có kết quả, còn bị thiệt hại. Ở đồng bằng địch phải chuyển qua chuẩn bị để chống lại đợt tấn công mới của ta mà chúng dự đoán là vào trước dịp Tết âm lịch (khoảng 10 tháng 2). Ở miền Đông Nam Bộ chúng định tập trung quân cố đánh chiếm trở lại thị xã Phước Long bằng “Chiến dịch 271” nhưng không thành vì bị đánh khắp nơi, không tập trung được lực lượng đủ sức. Trước tình thế ấy, chúng xoay sang với nỗ lực rất cao để chiếm lại núi Bà Đen - một vị trí thiết yếu, không những phục vụ cho việc phòng thủ miền Đông Nam Bộ, Sài Gòn mà còn để bảo vệ cho Cam-pu-chia – Phnôm-pênh của chính quyền ngụy Lon-non nữa. Từ ngày 20 đến ngày 26 tháng Giêng, quân đoàn 3 ngụy có đại biểu của bộ tổng tham mưu tham dự đã sử dụng lực lượng của tiểu khu Tây Ninh và sư đoàn 25 với sự yểm trợ cao của pháo binh (bình quân bắn trên 6.000 quả/ngày) và phi cơ (84 lần chiếc/ngày), đánh phá vào khu vực núi hết sức ác liệt. Chúng đã dùng 29 trực thăng đổ quân nhiều đợt cố chiếm lại cứ điểm trên đỉnh núi nhưng đều bị ta đánh trả quyết liệt, bị thiệt hại nhiều sinh lực, mất nhiều phi cơ và trực thăng. Không những thế, qua theo dõi tin tình báo và lực lượng trinh sát mặt đất nắm được: để chuẩn bị đánh chiếm núi Bà Đen, Mỹ-ngụy còn tập kết một số máy bay trực thăng cùng với xung lực ở Bản Kéo cách đó không xa để chở quân đổ bộ. Chớp thời cơ, đêm 25 tháng Giêng năm 1975 (nghĩa là trước chưa tới một ngày địch khởi sự), Trần Văn Danh đã kịp thời chỉ đạo tập trung hai khẩu pháo 105 ly và sáu khẩu cối 61ly. Vào lúc 03 giờ sáng dồn dập nã đạn vào bãi để máy bay của đối phương. Bị giáng trả bất ngờ, địch không kịp trở tay đối phó. Phần lớn máy bay bị phá hủy và nhiều quân lính bị đền tội. Qua hai đợt tấn công cả phía sau và phía trước của ta, kết cục địch đành nhận thất bại cay đắng, lui về phòng thủ Tây Ninh.

Thượng tướng Trần Văn Trà (Tư Chi) Tư lệnh Miền đã đánh giá như sau : Thắng lợi rất có ý nghĩa của mặt trận tấn công chiếm vị trí núi Bà Đen và giữ vững vị trí trước sự phản kích quyết liệt của địch là một chiến công hết sức rực rỡ của một đơn vị nhỏ mà tinh nhuệ của ta. Đó là tiểu đoàn trinh sát 47 trực thuộc Bộ Tham mưu Miền, được tăng cường hai đại đội đặc công của Trung đoàn 429, một đơn vị súng máy cao xạ và một đơn vị cối, tất cả chỉ vỏn vẹn 300 cán bộ và chiến sĩ. Hiểu rõ vị trí của trận đánh, Bộ Tư lệnh Miền đã chỉ định đồng chí Ba Trần, Tham mưu phó Miền trực tiếp chỉ huy, các đồng chí Huỳnh Ninh và Chín Lộc, trưởng và chính trị viên Phòng 2, phải thông qua phương án tác chiến và các đồng chí Huỳnh Ninh, Phó phòng 1, đồng chí Hải trưởng ban trinh sát trực tiếp chỉ huy trận đánh. Đêm 3 tháng 12, đơn vị tấn công từ 3 hướng. Hướng tây nam là mũi chính do đồng chí Tô làm mũi trưởng, đồng chí Thăng làm mũi phó cùng 5 chiến sĩ đã thọc thẳng vào trung tâm cứ điểm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Nhưng quân địch được phi cơ và trực thăng chi viện đã phản kích và giữ được vị trí. Toàn tổ hy sinh anh dũng. Được chỉ đạo của trên, đơn vị chuyển qua bao vây đánh lấn, chặt đứt mọi nguồn tiếp tế, không cho một trực thăng nào đổ bộ được. Quân địch nguy khốn buộc phải rút chạy vào cuối tháng 12 nhưng bị diệt và bị bắt sống gần hết. Vì là một cứ điểm quan trọng, được trang thiết bị hiện đại để quan sát từ xa khắp vùng rộng lớn và chuyển tiếp truyền tin cho cả hai chiến trường Việt Nam và Cam-pu-chia nên cả bộ tổng tham mưu và quân đoàn 3 ngụy quyết tâm chiếm lại cho kỳ được căn cứ núi Bà Đen bằng những trận đánh phá vô cùng ác liệt. Nhưng đơn vị trinh sát đặc công nhỏ của ta đã thắng một lực lượng binh chủng hợp thành của địch, lớn hơn ta gấp cả hàng chục lần. Sự thắng lợi ở đây là của cả thế và lực, của cả sự khôn khéo và trí thông minh, lòng dũng cảm và kỹ năng chiến đấu, của ý chí và quyết tâm, của sự chịu đựng khó khăn, gian khổ và sự hy sinh quên mình vì nghĩa lớn của dân, của nước. Phải chăng trên ý nghĩa này, trận đánh là một hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ cuộc chiến tranh giải phóng của ta chống lại đế quốc Mỹ : ít đã thắng nhiều, nhỏ đã thắng lớn, tài trí và nghĩa nhân đã thắng vũ phu và cường bạo, chính đã thắng tà, trận đánh càng có giá trị vì nó diễn ra vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, bịt tai mắt của địch cho ta chuẩn bị tấn công vào sào huyệt của chúng” (1)

Toàn bộ những hoạt động này nhằm phối hợp với cánh quân của đồng chí Năm Ngà (Nguyễn Minh Châu) đang đánh Tánh Linh – Võ Đắc kềm chế sư đoàn 18 bộ binh ngụy và ngăn chặn không cho các lực lượng của địch yểm trợ Phước Long. Phước Long chính là trận địa của Quân đoàn 4 do đồng chí Năm Thạch (Hoàng Cầm) chỉ huy. Nhờ hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa “ba ông” Hoàng Cầm – Nguyễn Minh Châu – Trần Văn Danh giải phóng nhanh gọn hai cứ điểm “hai bà” là Bà Đen – Bà Rá ta đã giành thắng lợi trong chiến dịch Phước Long có ý nghĩa rất quan trọng là lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh. Đặc biệt chiến thắng Phước Long là cơ sở giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương khẳng định Mỹ không dám đưa quân tham chiến nữa để từ đó có kế hoạch tác chiến giành thắng lợi quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đứng về phía địch, việc mất tỉnh Phước Long đã trở thành bi kịch. Đại tá Phạm Bá Hoa – tham mưu trưởng tổng cục tiếp vận ngụy đã phải cay đắng cho rằng: cái chính là thất bại Phước Long đã nói lên thế và lực của quân đội Việt Nam Cộng hòa chỉ mới bị đánh một điểm mà đã không còn lực lượng đối phó, hỏi bị đánh nhiều nơi thì sẽ ra sao? Phước Long là sự kiện nói lên khá rõ hiệu quả chiến lược “Việt Nam hóa” đã thực hiện trong sáu năm qua. Trước đây quân đội Việt Nam Cộng hòa qua được nhiều hiểm nghèo là nhờ vào cứu viện của Hoa Kỳ. Họ đã cung cấp đầy đủ mọi trang bị bù đắp tổn thất, đã chi viện hỏa lực hùng hậu, mạnh mẽ thậm chí cả xung lực mới đủ sức chống đỡ. Nay trước thất bại đau đớn, mất cả một tỉnh mà Mỹ vẫn làm ngơ, mặc dầu ông Thiệu đã nhiều lần gặp Martin yêu cầu Mỹ can thiệp. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa cũng đã chính thức gửi công hàm, rồi khuyến cáo điện đàm trực tiếp với Smith (Trưởng cơ quan D.A.O) tất cả đều là con số không...


Chuyện ông đại tá việt cộng trong phái đoàn trại David sao mập mạp :

Theo như thỏa thuận, vào ngày 28 tháng 2 năm 1973, máy bay quân sự của Mỹ sẽ đáp xuống sân bay Thiện Ngôn để đón Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sân bay Thiện Ngôn nằm ở phía bắc Tây Ninh vốn là căn cứ quân sự của một chiến đoàn Mỹ vừa chuyển giao cho quân đội Sài Gòn đã bị quân giải phóng đánh chiếm vào năm 1972 trong chiến dịch Nguyễn Huệ.

Đến giờ hẹn, trực thăng Mỹ không tới đón mà thay vào đó là một phi đội chiến đấu của không quân Sài Gòn lượn quanh rồi ném bom hù dọa. Ngay tức khắc người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động này. Phe ta quyết định chuyển sang một điểm hẹn khác đã chuẩn bị trước và đòi Mỹ phải trực tiếp chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho Đoàn đại biểu quân sự Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Điểm hẹn mới là Lộc Ninh, một thị trấn đông dân được mệnh danh là thủ phủ của vùng giải phóng. Ngày 1 tháng 3 năm 1973, ba đợt trực thăng của Mỹ đã đáp xuống sân bay Lộc Ninh để rước đoàn đại biểu ta về Sài Gòn. Trưởng đoàn là trung tướng Trần Văn Trà, các phó trưởng đoàn gồm đại tá Võ Đông Giang, đại tá Đặng Văn Thu (Đoàn Huyện), đại tá Trần Quốc Minh cùng các ủy viên như Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Văn Hoàn, Dương Đình Thảo, Nguyễn Văn Tòng, Nguyễn Văn Tư...

Nhìn chung theo danh sách thông báo cho phía Mỹ về thành phần của phái đoàn ta, thì bộ phận tình báo quân sự Mỹ đều nhận ra hầu hết là... “người quen”, duy chỉ có một người mà chúng hơi ngờ ngợ, đó là đại tá Trần Quốc Minh – Phó trưởng đoàn kiêm Trưởng tiểu ban hai bên. Vì đại tá có dáng người cao to, bề thế này đã gây ra một ấn tượng bất ngờ cho đám quân cảnh Sài Gòn – vốn là những binh lính to, khỏe được chọn để đào tạo thành cảnh sát của quân đội Sài Gòn với nhiệm vụ trấn áp binh lính trốn tránh, đào ngũ hoặc có ý định làm loạn. Thấy phái đoàn đại biểu quân sự của ta hùng hậu, mà vị đại tá, phó đoàn lại phương phi chững chạc, quân cảnh Sài Gòn phải kêu lên:

– Trời ơi ! Việt cộng gì mà to cao mập mạnh và đỏ au như thế này !

Đã quen với đòn tâm lý chiến là Việt cộng ở trong rừng ăn bờ, ngủ bụi lại bị phi cơ Mỹ ném bom Napan, bắn rốc két chết hết rồi, chỉ còn lại vài tên ốm yếu, xanh xao... đến nỗi bảy tên Việt cộng leo lên lá đu đủ cũng không gãy... làm đám quân cảnh ra sân bay để “dàn chào” Việt cộng đều không khỏi bất ngờ, sửng sốt. Chừng sực nhớ ra nhiệm vụ được điều ra phi trường Tân Sơn Nhất là để thị uy và làm khó dễ “phái đoàn Việt cộng”, mấy trự quân cảnh vội xông ra cản đường và la lối, chửi bới. Điều này cũng không nằm ngoài dự kiến của ta, do đó với thái độ hết sức bình tĩnh, đại tá Trần Quốc Minh hích nhẹ trung tá Nguyễn Hữu Trí:

– Đồng chí bước ra hỏi coi bọn này muốn gì ?

Với tướng tá “bặm trợn” và vốn là dân anh chị ở Sài Gòn với danh xưng “đại ca Tư Bốn” trước khi hoạt động bí mật, nên khi Nguyễn Hữu Trí khệnh khạng bước lại trước mặt trự thiếu tá – đại đội trưởng quân cảnh Sài gòn thì hắn hoảng hốt kêu lên:

– Ủa, anh Tư ! Sao anh ở đây ? Bộ anh là Việt... cộng hả ?

Nguyễn Hữu Trí nghiêm giọng:

– Tao là... trung tá tình báo Việt cộng đây !

Thiếu tá chỉ huy quân cảnh tiu nghỉu quay lại phía đám lính:

– Thôi tụi bay để cho anh Tư với mấy ổng đi !



Khu doanh trại David của không quân Mỹ nằm sát góc tây nam sân bay Tân Sơn Nhất được thiết lập thành hình chữ V gồm ba dãy nhà gỗ quây lại thành chữ U. Trong lòng có vài biệt thự với đường tráng nhựa chạy giữa các dãy nhà cùng sân quần vợt, bóng rổ, bóng chuyền... 

Phía các cơ quan tình báo của Mỹ ở Sài Gòn cũng làm việc hết sức cật lực để xác định cho thật đầy đủ lý lịch của “những vị khách” được mời đến “vùng giải phóng của Việt cộng ngay giữa các căn cứ quân sự Mỹ ở Sài Gòn”. Đặc biệt là hàng tuần đều có chuyến bay liên lạc giữa trại David với Bộ Chỉ huy Miền ở Lộc Ninh, đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ và “chu đáo” của bọn tình báo Mỹ. Không lâu sau đó, tình báo Mỹ đã xác định được lai lịch của “Đại tá Việt cộng Trần Quốc Minh” – Phó trưởng đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. “Nhân vật” này không xa lạ gì với bọn tình báo, quân báo Mỹ, ngụy. Frank Snepp – chuyên gia cao cấp phân tích tin tức tình báo về Cộng sản của chi nhánh CIA ở Việt Nam đã đánh giá nhân vật này là một trong bốn nhà tình báo “gộc” của Việt Nam. Đó là Trần Văn Danh (bí danh Ba Trần), Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Miền kiêm Trưởng ban tình báo chiến lược, phụ trách công tác tình báo, đặc công, biệt động. Vào đầu tháng 1 năm 1973, tại Sở chỉ huy Miền, chính Ba Trần đã nhận được chỉ thị của Trung ương là cùng với tướng Trần Văn Trà bàn bạc chọn nhân sự, phân nhiệm, chuẩn bị tài liệu, phương tiện thông tin liên lạc, dự kiến tình huống bất trắc... để về Sài Gòn tham gia vào Ban liên lạc quân sự bốn bên thực thi Hiệp định Pa-ri. Trong lúc trung tướng Trần Văn Trà túi bụi với những cuộc họp Bộ Chỉ huy Miền để bàn cách phối hợp đấu tranh giữa chiến trường và bàn hội nghị, thì Ba Trần cũng bận tối ngày để chỉ huy thực hiện mọi công việc cho chuyến vào Sài Gòn chẳng biết đến bao giờ mới ra.

Vừa triển khai phương án phòng thủ chiến lược ở trại David xong, linh cảm của một cán bộ tình báo lão luyện mách cho Ba Trần biết là bọn CIA đang ráo riết truy cứu lý lịch của ông và sớm muộn gì chúng cũng sẽ phát hiện lai lịch ông cùng với gia đình. Do đó Ba Trần liền bí mật báo cho vợ là bà Nguyễn Thị Hoa đang sống cùng bốn đứa con ở quê nhà Hốc Môn phải cấp tốc đi vào Khu. Đúng như dự đoán, bà Hoa cùng các con vừa chuyển đi đêm trước thì sáng hôm sau bọn mật vụ, cảnh sát chìm đã ập đến tận nhà.



Hỏi đâu thác nhảy cho điện quay chiều:

Năm 1978, Thiếu tướng Danh làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Là một nhà tình báo, ông luôn coi trọng mọi hồ sơ tài liệu. Trên cương vị của mình, nhân lúc phân loại các hồ sơ mật của chính quyền Sài Gòn để lại. Qua nghiên cứu phân tích nhiều loại, nào là quân sự, kinh tế, chiến tranh tâm lý, may mắn thay, trong số đó ông bắt gặp sơ đồ thiết kế công trình thủy điện Trị An. Chưa biết trong ấy họ nói những gì chi tiết nhưng chắc chắn đó là điều mà xã hội đòi hỏi cấp thiết.

Tình hình đất nước vào thời điểm ấy nói chung, các tỉnh phía Nam nói riêng, trong đó có thành phố mang tên Bác thiếu điện trầm trọng. Điện ưu tiên cho sản xuất cũng hẫng hụt, nhiều hoạt động khác phải ngưng trễ. Còn điện sinh hoạt cho dân thì cực kỳ khó khăn.

Đồng chí Ba Trần kể lại : thế rồi trong lúc phân loại các tài liệu, gặp được bản đồ án thiết kế ấy tôi mừng không sao tả xiết. Mừng, nhưng chưa dám nói với ai, bởi quy mô công trình nó lớn quá, nếu đầu tư công, của không đơn giản chút nào. Trong khi đó tình hình đất nước còn cực kỳ khó khăn, vả lại mình vốn là một người lính chủ yếu quen với trận mạc. Khả năng kiến thức về xây dựng công trình tầm cỡ quốc gia như thế đòi hỏi kỹ năng khoa học cao mới đủ lý luận và thực tiễn để thuyết phục... Vì vậy, liệu mình trình bày có được sự đồng tình ủng hộ hay lại trở thành hài hước, đàm tiếu cho thiên hạ thì... chua lắm ! “Chua” ở đây không phải số đồng tình nhiều hay ít, tỷ lệ cao hay thấp, điều đó cũng là chuyện bình thường. Song cái quan trọng hơn ở chỗ bản lĩnh, trí tuệ được thể hiện trách nhiệm công dân với đất nước, quê hương. Mỗi lần đi sâu nghiên cứu bản đồ án như có sức ma lực thu hút tâm trí ông.

– Phải đề xuất chính kiến của mình với tập thể càng sớm càng hay. Nếu được, càng ích lợi cho xã hội - có sao đâu ? - Ông nghĩ thế. Hơn nữa, chế độ cũ trước đây họ cũng đã có ý đồ làm hệ thống công trình thủy điện thượng nguồn sông Đồng Nai rồi kia mà. Họ còn chia làm nhiều hạng mục : thủy điện Đồng Nai 1, thủy điện Đồng Nai 2 rồi thủy điện Đồng Nai 3 và cả đập thủy điện Sông Hinh ở ngoài miền trung. Tuy nhiên, thủy điện Đồng Nai 1 - tức là khu vực công trình Trị An bây giờ có tính khả thi hơn cả. Song vì chiến tranh, mà đập lại nằm sâu trong chiến khu Đ do ta kiểm soát gắt gao, nên họ còn lo ngại chưa triển khai được.

Thế rồi, trong một hội nghị Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 khóa 3 năm 1984, ông trình bày luận điểm của mình với cơ quan lãnh đạo cao nhất của thành phố. Tuy nhiên cũng có những ý kiến tranh luận qua lại, phân tích để thêm sáng tỏ. Song, cơ bản nhất trí rất cao. Đặc biệt đồng chí Võ Văn Kiệt, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy tỏ vẻ rất phấn chấn. Ông Sáu Dân còn nói trước cuộc họp :

– Để tôi ra Hà Nội báo cáo với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ. Nếu được cấp trên chấp thuận thì đưa anh đi nghiên cứu có được không ? 

Tôi trả lời anh Sáu :

– Cái đó thì tùy trên định liệu, nếu được tôi cũng sẵn sàng vào trận mới. 

Tất cả cử tọa vang lên một tràng pháo tay rất sôi nổi, thêm cả tiếng cười rộn ràng. Có người còn nói vui :

– Chất lính của vị tướng còn đậm đà lắm, hừng hực như đang giữa trận tiền vậy.

Sau chuyến ra Hà Nội của đồng chí Bí thư Thành ủy, Trung ương và Chính phủ đã đồng ý căn bản đề nghị của thành phố Hồ Chí Minh. Thế là, bước đầu về mặt pháp lý đã có cơ sở. Điều quan trọng là tìm người chỉ đạo, điều hành.

Có lần anh Sáu Dân gặp tôi, gợi ý :

– Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố rà soát để cử người chủ trì công trình mà chưa tìm được ai. Ngoài Trung ương cũng thế chưa chọn được ai cả. Mấy ổng còn nói trong này nhắm người rồi báo cáo cho họ biết. Anh Sáu khêu gợi :

– Anh nên làm anh Ba à. Anh nói vậy chắc anh làm được và làm tốt là đằng khác – tôi tin tưởng sẽ là như vậy. Anh trực tiếp chỉ đạo luôn – tụi này sẽ cùng sát cánh và nhờ cả Trung ương, Chính phủ hỗ trợ tối đa, anh cứ yên tâm đi. Nói rồi, anh bắt tay tôi rất chặt, tỏ vẻ hớn hở và hết sức cởi mở thân tình như những ngày gian khổ trước đây.

Tính ổng mình biết, đã nói là làm, mà làm phải tới nơi, tới chốn, không lơ mơ được đâu. Trên đã gửi gắm niềm tin thì người lính già này cũng phải dốc lòng dốc sức còn lại để phụng sự đất nước chớ sao. Ba Trần này nghĩ vậy và như thấy mình phấn chấn, rạo rực chờ ngày bắt tay vào công việc mà chưa thể lường hết chồng chất từng khó khăn. Và sau đó ít lâu, ông được Trung ương, Chính phủ điều động sang làm Thứ trưởng Bộ Năng lượng kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình thủy điện Trị An.
@3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét