Ngành tình báo luôn đóng vai trong hết sức quan trọng. Và ở đó, đã sản sinh những nhà tình báo mà sự nghiệp của họ đôi khi như huyền thoại. Một trong những nhà tình báo Việt Nam nổi tiếng ấy là Trần Văn Danh, người đứng đầu ngành quân báo miền Nam thời chống Mỹ. Frank Snepp, một nhân vật cao cấp của CIA Sài Gòn trước năm 1975, trong cuốn Khoảng cách thời gian vừa phải xuất bản năm 1977 ở New York cũng đã nói rằng Trần Văn Danh là một trong bốn nhà tình báo quan trọng hàng đầu của Việt cộng. Từ một học sinh yêu nước của Mười tám thôn Vườn Trầu-Hóc Môn, Trần Văn Danh trở thành chiến sĩ quân báo quả cảm ở miền Đông Nam Bộ, rồi dần được giao các nhiệm vụ: tham mưu phó phụ trách tình báo chiến lược, đặc công và biệt động của Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, phó trưởng Đoàn đại biểu Liên hiệp Quân sự bốn bên của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông chỉ huy lực lượng đặc công và biệt động Sài Gòn, vừa mở đường cho các cánh quân vừa hạn chế nguy cở đổ nát của thành phố khi đại quân tiến vào. Từ tướng tình báo, Trần Văn Danh trở thành tướng kinh tế khi được phân công tiếp quản và xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đứng đầu kế hoạch xây dựng công trình thủy điện Trị An. Ông được Nhà nước phong Anh hùng Lao động năm 1990 và thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất. Vẫn với phong thái của một nhà tình báo, nhìn thẳng vào mắt chúng tôi, ông nói:
-Thật ra, cuộc đời tôi không có gì đáng nói nhiều đâu. Điều mà tôi mong muốn là báo chí hãy đề cập đến hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuốn cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Bởi cuộc chiến tranh của chúng ta là cuộc chiến tranh nhân dân, mọi thành bại do nhân dân quyết định.
-Nhưng thưa thiếu tướng, cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng.
-Đồng ý. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân thì thật tai hại.
-Vâng, có lẽ vì vậy mà trong báo cáo của Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa IX mới đây, cho rằng chủ nghĩa cá nhân là nguy cơ “bao trùm lên trên bốn nguy cơ” của đất nước mà Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ Khóa VII đã chỉ rõ. Thưa Thiếu tướng, Thiếu tướng có suy nghĩ gì về tình hình đất nước hiện nay?
-Chính sách mở cửa đưa nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nạn mafia, buôn lậu, nhất là hàng loạt vụ tham nhũng làm tổn hại hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước, làm mất lòng tin nhân dân, kiềm chế sự phát triển của đất nước, là điều đáng lo ngại.
-Lăn lộn từ chiến trường lửa đạn đến chiến trường kinh tế, nay đã ở tuổi “cổ lai hy”, trái tim Thiếu tướng vẫn còn hết sức nhạy cảm trước thời cuộc, trước vận mệnh quốc gia. Riêng về bản thân mình, có khi nào nằm hồi tưởng lại, kỷ niệm tuổi ấu thơ chợt hiện về trong tâm khảm Thiếu tướng không?
-Tuổi thơ của tôi ư? Nhiều lúc tôi không dám nghĩ đến. Mà càng nghĩ thì càng buồn, càng thương cho người mẹ nghèo bất hạnh của tôi. Mẹ tôi người Bến Tre, đi làm cô mụ và gặp cha tôi ở Hóc Môn, Sài Gòn. Cha tôi làm Hương cả trong làng, đã có vợ lớn. Ông nội tôi rất khắt khe. Vì vậy, mẹ con tôi phải sống cách ly rất xa, bà vừa đi bán hàng rong vừa trồng rau nuôi heo để nuôi sáu đứa con nhỏ, trong đó chỉ có một mình tôi là con trai. Khổ cực lắm! Chị em tôi ngày ngày vào rừng Thới Tam Thôn mót củi giúp mẹ. Tôi tuổi Hợi, sinh năm 1923, do luật phát không cho phép nên khai sinh tôi lấy họ mẹ. Mẹ tôi là Trần Thị Thảnh. Còn tôi là Trần Văn Ba. Vì vậy, sau này anh em hay gọi tôi là Ba Trần.
-Thế còn Trần Văn Danh?
-Đó là một tên khác khi tôi vào Đảng. Hồi tôi học lớp nhứt ở thị trấn Hóc Môn, thấy tôi tên Ba, một ông thầy nói: Mầy tên Ba, mỗi lần kêu tao phải nói “Ba ơi!”. Ông bảo tôi đổi tên thành Bá. Do đó, tên đi học của tôi là Trần Văn Bá (cười).
-Sau này lớn lên Thiếu tướng có gặp lại cha.
-Có chứ. Năm mười tám tuổi, tôi đến tuổi đóng thuế thân, cha tôi thừa nhận là con, từ đó khai sinh mới có tên cha. Chẳng qua, vì lễ giáo mà mẹ con tôi phải sống riêng, chứ cha tôi rất thương và luôn tìm cách đến thăm. Về sau, cha tôi trở thành một cơ sở cách mạng, đã được Chính phủ tặng bằng khen có công với nước. Khi tôi được mười hai tuổi, cha tôi hay sai tôi bí mật đi rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày tôi lên đường vào chiến khu, ông động viên tôi hãy yên tâm chuyện gia đình lo cố gắng đánh giặc.
-Thiếu tướng còn nhớ gì về thời tuổi trẻ của mình giữa Mười tám thôn Vườn Trầu nổi tiếng?
-Cuộc sống người nông dân cực kỳ cơ cực, đói khổ. Phong trào yêu nước, cách mạng ở quê tôi luôn âm ỉ, sôi sục. Năm mười sáu tuổi, tôi thi đậu trường Bá Nghệ, nay là Trường kỹ thuật Cao Thắng. Tôi rất thích nghề xây dựng. Tôi mua sách Pháp về toán, lý, hóa để tự học thêm. Vừa học tôi vừa làm thêm kiếm sống. Ban ngày thì lãnh mẫu mã từ văn phòng các kiến trúc sư về vẽ, tính toán; trong đó có “hàng” của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ban đêm còn đi làm thêm nghề cơ khí. Nhưng rồi Nhật đảo chánh Pháp, trường Bá Nghệ đóng cửa, tôi quay về Hóc Môn.
Trước đó, một chiều sau khi ăn cơm ở Chợ Quán, tôi đạp xe về nhà. Đến ngang rạp Nguyễn Văn Hảo, nay là rạp Công Nhân, tôi phải xuống xe dắt bộ vì lính Nhật tắm chật đường bên các vòi nước ở lề đường. Chúng tám trần truồng như nhộng. Thấy vậy, tôi nói: “Nghe nước Nhật tự xưng là cường quốc, sao chẳng văn minh chút nào, tắm ở truồng”. Ngỡ chỉ nói với người đi đường, bọn Nhật không nghe được, vì chúng không biết tiếng Việt. Không ngờ, có một tên trong bọn đang tắm kêu tôi lại bằng tiếng Việt rất sõi và hỏi tôi vừa nói gì. Tôi cũng nói lại y như vậy. Nó mới cười mỉa mai: “Tắm truồng không có gì xấu. Mất nước mới là nhục”! Tôi tức đến tái mặt, muốn đấm thẳng vào mặt nó. Chính điều này giúp tôi hiểu ra nhiều lẽ, nhen nhóm trong tôi lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Đúng, mất nước đúng là nỗi nhục lớn nhất!
|
-Cũng từ đó Thiếu tướng bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng?
-Vâng. Tháng 7 năm 1945, tôi tham gia tổ chức bí mật Thanh niên Cứu quốc. Sau đó, đi cướp chính quyền ở Hóc Môn rồi kéo về trung tâm thành phố. Trên đường đi, ngang bót Đội Có, địch bắn chết chú Tám Thôi-anh bà Hồ Thị Bi. Một thời gian sau, Pháp tái chiếm Nam Bộ, đưa quân lên Hóc Môn. Lực lượng cách mạng tạm thời phân tán. Tôi gia nhập đội trinh sát Quân khu 7, chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, chiến trường mà tôi gắn bó gần cả cuộc đời.
-Nghĩa là Thiếu tướng trở thành chiến sĩ tình báo một cách ngẫu nhiên không hề có định hướng trước.
-Tính tôi thích mạo hiểm, cộng với lòng căm thù giặc, tôi không hề biết run sợ trước cái chết. Địa bàn miền Đông, trong đó có Sài Gòn-Chợ Lớn, tôi nắm trong tay từng kênh rạch, con hẻm. Năm 1949, tôi được đề bạt làm tham mưu phó kiêm Trưởng ban quân báo tỉnh Thủ-Biên. Khi tập kết ra Bắc, tôi là phó chính ủy Trung đoàn 556, trung đoàn có nhiều đóng góp trong suốt chín năm đánh Pháp ở miền Đông Nam Bộ.
-Thiếu tướng trở lại chiến trường miền Nam khi nào?
-Gần sáu năm sau. Ra Bắc, tôi được gắn quân hàm Thiếu tá và đi học văn hóa lẫn ghiệp vụ chuyên môn tình báo. Đến tháng 12 năm 1960, tôi vượt Trường Sơn về Nam. Trước khi lên đường, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn có đến thăm đoàn và chỉ thị rằng: “Các đồng chí ra Bắc đã học tập tốt, nay nhanh chóng về Nam cùng các đồng chí trước đây ở lại cùng tổ chức quần chúng nổi dậy, lôi kéo binh lính địch, chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Hiện nay chúng ta vẫn còn một cái nhục là nhục mất nước”.
Trên đường, tôi bị viêm phổi nặng, cứ ngỡ không qua khỏi. Đường đi lúc đó muôn vàn khó khăn. Bởi đoàn chúng tôi gần như tiền trạm. Có một kỷ niệm vui mà tôi nhớ mãi. Khi đoàn đến vùng sông Re thuọc Quảng Nam, vì đói quá tôi đem một bộ đồ bà ba đen ra buôn người dân tộc đổi một chó về làm thịt. Người Bắc rất thích thịt chó, còn người Nam trước đây ít ăn. Anh em trạm giao liên có cho tôi một lon thịt heo nhưng do không có muối ướp nên bị hôi. Tôi đem thịt chó còn lại trộn với thịt heo để dành. Sang ngày hôm sau, mở lon thịt ra thị thật bất ngờ: thịt heo không còn mùi hôi nữa! Nghĩa là nhờ một chất đạm đặc biệt trong thịt chó đã khử mùi hôi của thịt heo. Một phát hiện thú vị. Tôi liền đi khoe với anh em (cười sảng khoái)…
-Thưa Thiếu tướng, Thiếu tướng gặp ai đầu tiên và nhận nhiệm vụ gì khi trở lại Nam Bộ?
-Người đầu tiên tôi gặp là anh Mười Cúc-Nguyễn Văn Linh. Tôi về Nam một thời gian thì Trung ương Cục quyết định thành lập Ban Quân sự Miền, do anh Trần Văn Quang làm trưởng ban. Tôi được phân công làm trưởng ban tình báo chiến lược trực thuộc Ban Quân sự Miền, sau được đề bạt làm phó tham mưu trưởng Miền phụ trách tình báo, đặc công, biệt động. Công việc của tôi dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, mà cụ thể là các anh Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, rồi Phạm Hùng, Trần Văn Trà.
-Thiếu tướng đánh giá thế nào về vai trò của công tác tình báo trong toàn cuộc chiến?
-Qua bảy năm thực hiện Hiệp định Genevè, lực lượng tình báo của ta bị thất bại rất nặng. Chính quyền Ngô Đình Diệm triệt phá và bắn giết, bỏ tù hàng loạt cán bộ tình báo. Do đó, khi tôi trở về Nam cũng là lúc ta bắt tay xây dựng lại ngành tình báo. Bằng cách tăng cường cán bộ từ Ban Địch tình. Lợi dụng sơ hở của địch do mâu thuẫn nội bộ của chúng, ta đã giải thoát cán bộ tình báo đang bị tù đày, bố trí hoạt động trở lại. Từ đó, tìm cách đưa các chiến sĩ tình báo len vào các cơ quan đầu não của địch để khai thác tin tức, tư liệu như: Tòa Đại sứ Mỹ, Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Đặc ủy Trung ương tình báo, Hạm đội 7,… Có thể nói, ngành tình báo đã cung cấp những tin tức kịp thời phục vụ đắc lực cho việc chỉ đạo chiến lược của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, Trung ương Cục và Bộ Chính trị Trung ương Đảng trong việc chỉ đạo chiến tranh.
Như bắt được “mạch”, câu chuyện giữa vị tướng và tôi càng lúc càng thân tình, cởi mở. Nụ cười “lộ diện” nhiều hơn trên khuôn mặt cương nghị ẩn dưới chiếc mũ diềm đen và cặp kính màu mà theo ông nó giúp che chắn, bảo vệ cơ thể tốt hơn. Có lẽ phần nào nhờ vậy, ở giữa tuổi thất tuần, trông ông vẫn rất “phong độ”. Nếu chưa biết ông mà tình cờ gặp, khó ai ngờ rằng đây là con người từng nhiều năm nằm rừng ngủ núi, cả thời chiến lẫn thời bình. Trong giờ “giải lao” giữa câu chuyện, vị tướng cho tôi xem một số tấm ảnh kỷ niệm thời còn trẻ. Ông bảo:
-Tôi được khen là người có thân hình khỏe đẹp. Tôi ghiền chơi thể thao lắm, nhất là bóng đá. Chỉ khi ra trận thì thôi, chứ lúc ở chỉ huy sở, tôi tranh thủ tập luyện và lao động chân tay.-Đầu năm 1973, Thiếu tướng là phó trưởng Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ cách mạng miền Nam trong Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên Trung ương vào Tân Sơn Nhất thực thi Hiệp định Paris. Thiếu tướng còn nhớ thành phần của đoàn khi đó gồm những ai? Và ấn tướng nào đáng nhớ khi đặt chân trở về Sài Gòn?
-Chúng tôi vào Sài Gòn tham gia Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên thật giống như Quan Công thời Tam Quốc đi dự hội Bàn Đào. Xung quanh kẻ địch luôn tìm cách bao vây, uy hiếp tứ bề (cười). Một ngày đầu tháng Giêng năm 1973, tại Sở chỉ huy Miền, sau khi nhận chỉ hụy của Trung ương, tôi với anh Trần Văn Trà cùng bàn bạc chọn nhân sự, phân công nhiệm vụ, chuẩn bị tài liệu, phương tiện thông tin liên lạc, dự kiến tình huống bất trắc… Tôi thay anh Trà chỉ huy thực hiện mọi công việc. Còn anh Trà lo Bộ Tư lệnh Miền để bàn phối hợp đấu tránh giữa chiến trường với bàn hội nghị.
Anh Trần Văn Trà là trưởng đoàn, lúc đó mang quân hàm Trung tướng. Các phó trưởng đoàn gồm Đại tá Võ Đông Giang, Đại tá Đặng Văn Thu tức Đoàn Huyên sau này là Thiếu tướng, và tôi. Để giữ bí mật theo yêu cầu của Trung ương, lúc đó tôi lấy tên là Trần Quốc Minh, mang quân hàm Đại tá. Đoàn còn có các ủy viên gồm các anh: Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Văn Hoàn, Dương Đình Thảo, Nguyễn Văn Tòng, Nguyễn Văn Tư cùng nhiều đồng chí ở các bộ phận khác. Ngoài nhiệm vụ phó trưởng đoàn, tôi còn phụ trách trưởng Tiểu ban hai bên.
Theo thỏa thuận, ngày 28 tháng 11 năm 1973, đoàn vào Sài Gòn bằng máy bay Mỹ lên đón tại sân bay Thiện Ngôn ở phía Bắc Tây Ninh. Nơi đây vốn là căn cứ của một chiến đoàn Mỹ chuyển giao cho quân đội Sài Gòn và bị ta đánh chiếm trong chiến dịch Nguyễn Huệ hồi năm 1972. Bên cạnh đó, đề phòng sự phản trắc của địch, ta chuẩn bị thêm một địa điểm khác cho đoàn. Đó là sân bay Lộc Ninh ở phía Bắc Bình Long, sát biên giới cam, cũng được giải phóng năm 1972.
-Vì sao cuối cùng đoàn lại xuất phát tại Lộc Ninh?
-Vì do địch giở trò phá hoại. Đúng như dự kiến, đến giờ hẹn, máy bay lên thẳng Mỹ không tới đón, mà thay vào đó là hai máy bay chiến đấu của quân đội Sài Gòn. Chúng lượn quanh sân bay Thiện Ngôn và ném bom hù dọa. Ngay tức khắc, ta lên án mạnh mẽ hành động lật lọng đó và quyết định chuyển điểm hẹn sang Lộc Ninh. Ta đòi Mỹ phải trực tiếp chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho đoàn. Và ngày 1 tháng 2 năm 1973, ba đợt máy bay Mỹ đầu tiên đã lên đón. Lộc Ninh là thị trấn đông dân, được xem như thủ phủ của vùng giải phóng, nên đồng bào đến đưa tiễn đoàn đại biểu ta rất đông. Cờ, hoa, biểu ngữ tấp nập như ngày hội. Cũng từ đó, Lộc Ninh trở thành nơi đưa đón cho các chuyến bay liên lạc hàng tuần của đoàn ta ở trại David với cơ quan lãnh đạo chỉ huy Miền.
-Và như vậy, Thiếu tướng cùng đoàn đại biểu đã đến điểm “hội Bàn Đào”
-Chưa hết. Chúng tôi vừa xuống máy bay, quân cảnh Sài Gòn chờ sẵn ở Tân Sơn Nhất, liền cản ngăn và chửi rủa om sòm. Chúng bảo bọn Việt cộng ở trong rừng bị máy bay bắn chết hết, chỉ còn một vài đứa ốm yếu xanh xao, sao giờ lại có thăng to cao, mập mạnh, đỏ au thế này? Trong hồi ký của mình về thời điểm đó, anh Trần Văn Trà cũng nói rằng anh tin ở khả năng của tôi vì thôi thạo Sài Gòn, hiểu biết nhiều về địch và địch sẽ nể nang tôi do dáng người bề thế, trắng, mập, chững chạc…
Lúc đó, trước sự truy cản của bọn quân cảnh Sài Gòn, tôi bảo anh Tư Bốn tức Nguyễn Hữu Trí lại hỏi vì sao không cho mình đi. Tư Bốn tiến đến, tên chỉ huy quân cảnh ngạc nhiên: “Ủa anh Tư, sao anh ở đây?”. Tư Bốn: “Tao là trung tá tình báo Việt cộng”. Tên sĩ quan này vốn mắc nợ tiền Tư Bốn khi anh còn hoạt động bí mật ở Sài Gòn, nên hắn ngại liền giục bọn lính: “Thôi, tụi bay để anh Tư đi”.
-Đã gần hai mươi lăm năm trôi qua, Thiếu tướng còn nhớ gì về hình ảnh trại David ở Tân Sơn Nhất?
-Trước đó, nó là doanh trại của không quân Mỹ, nằm sát góc tây nam sân bay. Nghe nói, David vốn là tên của người lính Mỹ đầu tiên chết ở miền Nam Việt Nam. Khu doanh trại có hình chữ V, gồm ba dãy nhà gỗ quây quần thành chữ U. Trong lòng chữ U có vài căn nhà xây trệt dùng làm nơi sinh hoạt tập thể. Đường nội bộ trán nhựa, chạy giữa các dãy nhà. Có sân quần vợt, bóng rổ, bóng chuyền. Tôi nhớ anh Lê Đức Thọ và Phạm Hùng từng nói vui rằng, trại David là “vùng giải phóng đầu tiên của ta tại Sài Gòn” Hai đoàn đại biểu quân sự miền Bắc và miền Nam của ta ở đây hơn hai năm. Khi Sài Gòn vừa được giải phóng, trại David trở thành “đại bản doanh” đầu tiên của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đối với tôi, trại David là điểm dừng chân đầu tiên khi trở về quê hương sau gần hai mươi năm xa cách. -Không những là tướng chỉ huy tình báo, Thiếu tướng còn là tướng chỉ huy trận mạc. Trong Chiến dịch Phước Long mở màn cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, xuất hiện giai thoại “Ba ông giải phóng hai bà” nghĩa là sao, thưa Thiếu tướng tướng?
-(Cười) Ba ông là Năm Thạch tức Hoàng Cầm, Năm Ngà tức Nguyễn Minh Châu và Ba Trần là tôi. Ha bà là… Bà Đen và Bà Rá. Tôi là người trực tiếp chỉ huy trận đánh chiếm núi Bà Đen ở Tây Ninh, một trung tâm viễn thông chiến lược quốc tế, thu tin mã thám và là điểm chỉ đường cho B52 cùng các loại máy bay hiện đại. Đồng thời, lực lượng do tôi chỉ huy còn thu hút hỏa lực đối phương là Lữ đoàn Biệt kích dù 81 và hai phần ba phi cơ chiến đấu F5E Vùng 3 chiến thuật; kiềm chế Sư đoàn 25 bộ binh; phối hợp cùng cánh quân anh Năm Ngà đang đánh Tánh Linh, Võ Đắc với Sư đoàn 18 của địch; ngăn chặn không cho các lực lượng đối phương yểm trợ Phước Long-trận địa của Quân đoàn 4 do anh Hoàng Cầm chỉ huy.
Chiến dịch Phước Long là chiến dịch mà lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh và giúp ta phát hiện rằng Mỹ không dám đưa quân sang nữa, để đi đến kế hoạch tác chiến giành thắng lợi quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Trong cuốn sách Một chương bi thảm của Dương Hảo do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, Đại tá Tham mưu trưởng Tổng cục Tiếp vận ngụy Phạm Bá Hoa đã cay đắng nói rằng: “Cái chính là thất bại Phước Long đã nói lên thế và lực của quân lực cộng hòa. Chỉ mới đánh một điểm ma đã không còn lực để đối phó, hỏi vị đánh nhiều nơi thì sẽ ra sao? Phước Long là sự kiện nói lên khá rõ hiệu quả chiến lược “Việt Nam hóa” đã thực hiện trong sáu năm qua. Trước đây, quân đội cộng hòa qua được nhiều hiểm nghèo là nhờ vào cứu viện của Hoa Kỳ. Họ đã cung cấp đủ mọi trang bị bù đắp tổn thất, đã chi viện hỏa lực hùng hậu, mãnh mẽ, thậm chí cả xung lực mới đủ sức chống đỡ. Nay trước thất bại đau đớn, mất cả một tỉnh mà Mỹ vẫn làm ngơ, mặc dầu ông Thiệu đã nhiều lần gặp Martin yêu cầu Mỹ can thiệp. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa cũng đã chính thức gởi công hàm, rồi tướng Khuyến đã điện đàm trực tiếp với Xmit (Trước cơ quan DAO)-Tất cả đều là con số không”.
-Hình như những năm đầu của thập niên 1970, Thiếu tướng có đi làm nhiệm vụ quốc tế…
-Có. Tôi sang nước bạn làm nhiệm vụ hai năm, từ 1970-1972. Nhưng… đây là bí mật quốc gia.
-Được biết, Thiếu tướng là vị chỉ huy trực tiếp lực lượng vòng trong gồm đặc công và biệt động Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Thiếu tướng còn nhớ gì về diễn biến tình hình lúc đó?
-Trước thắng lợi như chẻ tre của quân ta khắp các chiến trường, cũng như nắm được tình hình suy yếu cả tài lẫn lực của đối phương, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã họp thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn ngày 24 tháng 4 năm 1975. Từ ngày 21 đến 25 tháng 4, các cánh quân, các đơn vị đã đến Sở Chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ, mục tiêu. Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm các anh: Tư lệnh Văn Tiến Dũng, Chính ủy Phạm Hùng, các Phó tư lệnh: Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh và Đinh Đức Thiện. Tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng vòng trong. Anh Nguyễn Văn Linh phụ trách phong trào vận động quần chúng nổi dậy. Anh Võ Văn Kiệt làm công tác tiếp quản thành phố. Anh Lê Đức Thọ, thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo chung.
-Nhiệm vụ cụ thể của lực lượng vòng trong do Thiếu tướng phụ trách là gì?
-Nhiệm vụ chủ yếu của các chiến sĩ đặc công và biệt động là đi tiên phong chiếm giữ và bảo vệ an toàn mười sáu cây cầu, mở đường cho các cánh quân; đồng thời “lót ổ” đánh chiếm ba mươi hai cơ sở kho tàng như: kho xăng, kho gạo, nhà máy điện, nước, khu vực lưu trữ hồ sơ của Đặc ủy Trung ương tình báo địch,… ngăn chặn sự phá hoại của địch trước khi chúng hoàn toàn thất thủ.
-Mỗi lần cầm quân ra trận, Thiếu tướng thường suy nghĩ gì, nhất là trận đánh đó có thể gay cho ta nhiều tổn thất?
-Đã ra trận thì phải chấp nhận hy sinh. Không chiến thắng nào không phải trả giá. Nhưng điều quan trọng là làm sao hạn chế tối đa thương vong cho chiến sĩ. Người chỉ huy phải xem sự hy sinh của chiến sĩ cũng là nỗi mất mát của chính mình.
-Với Thiếu tướng, có khi nào gặp phải sự thất bại không?
-Sao lại không! Tôi không bao giờ tán thành chuyện “trăm trận trăm thắng” cả. Bởi có thất bại mới có thành công. Và không ít lần chính tôi phải ôm đầu máu, cõng thương binh rút lui về.
-Xin cảm ơn sự thẳng thắng của Thiếu tướng.
-Trên chiến trường, chẳng có con đường nào dọn sẵn cho anh đâu!
-Về trường hợp của tướng Dương Văn Minh, trong sự nghiệp chính trị của mình, ông ta đã hài lần lên đến đỉnh cao quyền lực. Lần thứ nhất, đứng đầu Hội đồng Quân nhân, lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, lên làm quốc trưởng. Lần thứ hai, thay Trần Văn Hương làm tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Có ý kiến cho rằng, cả hai lần nắm quyền ở Sài Gòn, tướng Dương Văn Minh đề làm lợi cho cách mạng: phá ấp chiến lược và đầu hàng vô điều kiện để tránh cho thành phố khỏi đổ nát. Thiếu tướng nghĩ sao?
-Trước khi đầu hàng vô điều kiện, Dương Văn Minh có thông qua tổ điệp báo của ta liên lạc với trại David-Tân Sơn Nhất, đề nghị thành lập chính phủ ba thành phần. Tôi thừa lệnh anh Phạm Hùng, thảo liên tục mấy công văn trả lời dứt khoát rằng: chỉ có đầu hàng vô điều kiện mà thôi! Theo tôi, nếu ông Dương Văn Minh đầu hàng vào tối 28 sáng 29 tháng 4 năm 1975 để tránh cho Sài Gòn khỏi bị tàn phá, thì có thể đó là hành động đáng ghi nhớ. Nhưng, đằng này ông ta đầu hàng khi đại quân chỉ một guờ sau đã tiến chiếm đến dinh Độc Lập rồi.
-Thưa Thiếu tướng, kỷ niệm nào đáng nhớ của riêng bản thân Thiếu tướng ngày đầu tiên đặt chân vào trung tâm Sài Gòn giải phóng?
-Niềm xúc động, hân hoan của hàng triệu đồng bào chiến sĩ sau cuộc chiến kéo dài hai mươi năm. Riêng bản thân tôi, nhiệm vụ cho Tổ quốc đã hoàn thành. Đêm 30 tháng 4 năm 1975, vào khoảng gần một giờ khuya, trước sự có mặt đông đủ của nhiều đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng và các tướng lĩnh tham gia chiến dịch, anh Phạm Hùng đã nói: “Bây giờ thắng lợi rồi, anh Trần Văn Trà đã hoàn thành nhiệm vụ. Với sự có mặt của các đồng chí tham gia chỉ huy chiến dịch, tất cả đều nhất trí thăng anh Trần Văn Trà hàm Thiếu tướng, nhận nhiệm vụ phó chủ tịch Ủy ban Quân quản về an ninh và quốc phòng, kiêm tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố”. Một vinh dự mà tôi không hề nghĩ đến!
-Về mạng lưới tình báo A22 của Vũ Ngọc Nhạ-Huỳnh Văn Trọng trước đó, Thiếu tướng có nắm được gì?
-Khi tôi có mặt ở miền Nam thì tám mươi phần trăm mạng lưới tình báo này đã bị địch phát hiện và truy bắt. Một điều mà tôi lấy làm tiếc là về nhân vật Huỳnh Văn Trọng. Tôi muốn nói về cách đối xử không được thỏa đáng của ta đối với công lao của ông. Huỳnh Văn Trọng là một nhân sĩ trí thức yêu nước.
-Với kinh nghiệm dày dạn của một nhà tình báo lão thành, theo Thiếu tướng đâu là thế mạnh cơ bản và quyết định sự thành công của ngành tình báo Việt Nam?
-Lòng yêu nước. Chiến sĩ tình báo của ta không nhận được nhiều đôla như nhân viên CIA hay điệp viên các quốc gia khác. Mà sự hy sinh lại hết sức thầm lặng và lớn lao để góp phần tạo nên những chiến thắng. Biết bao chiến sĩ tình báo vô danh đã mãi mãi ngã xuống trong lòng địch. Đôi lúc, họ còn phải gánh chịu những nỗi đau không gì bù đắp nổi (trầm tư hồi lâu). Có người vì mất liên lạc với chỉ huy, đồng đội song vẫn lặng lẽ hoạt động với tinh thần tự giác, xả thân, nhưng lại cả đời phải chịu đựng nhiều thương tổn! Là một chiến sĩ tình báo, tôi hiểu hơn ai hết nỗi đau ấy. Tôi cũng tự hào trong hàng ngũ đã có những chiến sĩ lập công lớn được Nhà nước phong tặng anh hùng như các anh Tư Bốn, Bảy Vĩnh, Hai Trung, chị Ba, chị Tư Trầu, chị Sáu Biết…
-Nhiều người đã từng nói và trên đây Thiếu tướng cũng nhắc lại rằng, cuộc chiến tranh của chúng ta là chiến tranh nhân dân, mọi thành bại do nhân dân quyết định. Vậy vai trò nhân dân ở đây cụ thể hóa thế nào, thưa Thiếu tướng?
-À, tôi xin đơn cử một số thí dụ thế này. Hồi đánh Pháo, cánh quân báo hay đi về một làng ở Bửu Long, nay là điểm du kích thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày nọ, địch phát hiện, liền đem lính phục kích trên cánh đồng. Biết khi trời tối chúng tôi sẽ về, một bác nông dân là cơ sở cách mạng, xách đèn dầu giả bộ đi soi ếch. Bác đi vào ổ phục kích, đạp lên đầu bọn lính Pháp đang nằm dưới ruộng. Chúng đứng dậy xí xô xí xà chửi bới om sòm. Thế là đằng xa, chúng tôi… thoát êm! Hay lần nọ ở Biên Hòa, chúng tôi sắp bị địch bao vây mà không biết. Một bà bán hàng biết lính đến, bảo đứa con mình giả bộ chạy trước, bà cầm roi chạy sau quất rượt về phía chúng tôi đang trú quân. Chạy ngang qua, bà bảo các chú đi nhanh đi chớ bọn hiến binh, biệt kích sắp bao vây thành phố rồi…
Rất nhiều chuyện như thế. Thử hỏi nếu không dựa vào sự che chở, nuôi nấng, tiền bạc của nhân dân thì làm sao đánh địch được? Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, cũng nhờ sự che chở, giúp đỡ, tiếp tế, tải thương của nhân dân mà nhiều chiến sĩ, đơn vị mới thoát được vòng vây của địch, trở về chiến khu.
-Vốn là một nhà tình báo quân sự, vì sao Thiếu tướng được đề bạt làm thứ trưởng Bộ Năng lượng kiêm trưởng Ban chỉ đạo xây dựng công trình thủy điện Trị An? Khi nhận nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ này, Thiếu tướng có e ngại?
-Như tôi đã nói, tôi là người vốn rất thích ngành xây dựng. Sau giải phóng, tôi làm tư lệnh Quân khu 7 kiêm tư lệnh các lực lượng võ trang Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi ra Bắc học ở Học viện Chính trị cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Một lần, Tổng bí thư Lê Duẩn đến thăm, có nói đại ý: Chúng ta thắng lợi, giành được độc lập là sướng rồi. Nhưng có độc lập mà nước còn nghèo, dân còn đói thì chúng ta cũng chẳng sướng ích gì…
Lời của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đã đem lại cho tôi nhiều suy nghĩ. Sau khi tốt nghiệp, tôi về Thành phố Hồ Chí Minh xin chuyển sang công tác xây dựng kinh tế, làm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Trước tình hình thiếu điện trầm trọng, mà muốn công nghiệp hóa thì điện lực phải đi trước một bước, nên tôi đề ra phương án xây dựng công trình thủy điện Trị An, được toàn Hội nghị Thành ủy lần thứ 4 khóa III nhất trí. Anh Võ Văn Kiệt thay mặt cho nhân dân miền Nam đề nghị với Trung ương cho xây dựng thủy điện Trị An, với phương châm “Nhân dân-Nhà nước cùng làm”. Sau một thời gian nghiên cứu với sự tham vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, tôi cùng nhiều đồng chí cách mạng lão thành đã lặn lội khắp nơi vận động, tập hợp sức người sức của trong nhân dân. Đồng thời, tranh thủ sự viện trợ quốc tế của các nước anh em, nhất là Liên Xô.
-Bây giờ mỗi lần trở lại Trị An, điều gì thường gợi lên trong lòng Thiếu tướng trước tiên…
-Tôi không bao giờ quên những hình xảnh xúc động như: một ca sĩ nổi tiến trước khi mất đã viết di chúc hiến lại một nửa gia sản cho công trình thủy điện Trị An. Một em bé đã đập con heo đất. Một ông già mù ở Bắc Mỹ Thuận khi hay tin đoàn vận động cho Trị An đi qua, đã vét túi mình được 10 đồng, liền đem 5 đồng đến góp vào thùng. Và biết bao hình ảnh đáng nhớ khác nữa vì dòng điện, vì tương lai đất nước. Gần một trăm công nhân đã ngã xuống ở Trị An vì sốt rét ác tính. Sự tự di dời của hàng trăm hộ dân không chút phiền hà. Tấm lòng cao cả, nhiệt thành của các chuyên gia Liên Xô…
|
-Thời ở B2, Thiếu tướng sống gần gũi với ai nhiều nhất?
-Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng. Hai anh rất quí tôi và tôi cũng hết sức thương yêu các anh.
-Thiếu tướng còn nhớ gì về hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
-Một nhà lãnh đạo, một vị tướng tài ba và giản dị, khiêm tốn, có sức thuyết phục lớn. Anh rất được Bác Hồ và Trung ương tin cẩn khi giao trọng trách vào lãnh đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ ở miền Nam.
-Thế còn cố Thủ tướng Phạm Hùng?
-Anh Phạm Hùng cũng là một cán bộ hàng đầu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, từng được giao nhiều trọng trách trong Đảng, chính phủ và quân đội, đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng dân tộc. Anh là nhà lãnh dạo có tầm nhìn xa về chiến lược, là một con người thẳng thắn, khẳng khái, đầy bản lĩnh, được truyền tụng qua nhiều giai thoại. Khianh còn rất trẻ, bị địch bắt giam ở Mỹ Tho. Anh bị thực dân Pháp kết án tử hình hai lần. Nghe nói khi tòa xử kết án tử hình anh lần thứ hai, anh dõng dạc nói thẳng vào mặt bọn quan tòa rằng: Mỗi người chỉ có một cái đầu, lần trước các ông đã xử tôi tử hình rồi, còn đầu nào nữa mà lại đòi chém! Chẳng lẽ còn cái đầu “con c” cũng muốn chém luôn sao?
Nhờ phong trào đấu tranh của quần chúng và Hội Hồng thập tự Pháp vận động chống án tử hình cho anh, nên anh được giảm xuống án chung thân khổ sai đày đi Côn Đảo. Ở trong tù, Phạm Hùng luôn là tấm gương đấu tranh kiên cường, là ngọn cờ đầu đối mặt với chế độ khắc nghiệt lao tù. Thời chống Mỹ, được làm việc bên anh, tôi học được rất nhiều điều từ con người anh hùng ấy. Anh hay bảo, trong công việc phải sáng tạo, không được phụ thuộc hoàn toàn người khác.Có lần, anh còn bảo: “Không được nghe lời vợ”. Tôi nói vui: ”Làm gì có vợ ở đây mà nghe lời!”. Anh cười: “Độc lập rồi hẳn biết”. Mà đúng thật. Hòa bình rồi, tôi thấy thiên hạ thường đi cửa sau, bằng cách đút tiền của lo lót thông qua các bà vợ…
Anh Phạm Hùng đã ra đi nhưng tên tuổi anh gắn liền với những chiến công đánh Mỹ, với xây dựng đất nước như công trình thủy điện Trị An, vẫn sống mãi trong ký ức nhân dân, nhất là nhân dân phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
-Thưa Thiếu tướng, từ tướng tình báo đến tướng kinh tế, đóng góp nhiều công lao cho đất nước, vậy còn với gia đình…
-Như các anh em khác, gia đình thì phần lớn nhờ vào bà nhà. Bà ấy nguyên là cán bộ binh vận. Chúng tôi gặp nhau trong chiến khu từ năm 1946, thương yêu nhau, quyết định báo với cơ quan hai bên đi đến thành hôn. Vừa là đồng chí, vừa là vợ chồng, chúng tôi giúp đỡ nhau đi suốt hai cuộc kháng chiến lẫn thời bình. Bốn đứa con chúng tôi, hai trai, hai gái đều đã trưởng thành và đều là quân nhân.
-Lúc Thiếu tướng ở chiến khu, bà nhà sống tại đâu?
-Ở quê nhà Hóc Môn. Khi tôi vào làm việc ở trại David-Tân Sơn Nhất, sau thời gian điều tra gắt gao, địch phát hiện lai lịch tôi và gia đình. Biết mình đã bị lộ, tồi liền bí mật điện gấp cho bà ấy nhanh chóng đưa gia đình vào chiến khu. Và đúng như dự đoán, gia đình tôi chuyển đi đêm trước thì sáng hôm sau mật vụ ập đến nhà…
-Thời trẻ, Thiếu tướng “phong độ” như vậy, ngoài bà nhà ra, hỏi nhỏ Thiếu tướng, có cô gái nào “chết” vì Thiếu tướng không?
-(Cười). Sao lại không? Thời tôi ra Bắc học tập, nhiều cô gái Hà Nội rất xinh đẹp là em gái các bạn đồng đội, có cảm tình với tôi. Nhưng tôi không dám bước tới, vì nhiệm vụ rất nặng nề và đặc biệt là tôi sắp về Nam chiến đấu.
-Xin cảm ơn Thiếu tướng đã dành cho buổi trò chuyện cở mờ và thân tình.
-Nói chuyện về quá khứ để hướng đến tương lai là điều tốt. Qua đây, cho tôi gởi lời chào thân ái đến đồng bào, đồng chí, nhất là các chiến sĩ tình báo, đặc công, biệt động Sài Gòn nhân ngày 30 tháng Tư lịch sử.
Trước khi chia tay, tướng Trần Văn Danh đưa tôi đi xem một số kỷ vật trong căn phòng lưu niệm đầy tự hào của ông ở cư xá Bắc Hải. Từ những khẩu súng sáng choang như còn phảng phất mùi chinh chiến đến bức tranh toàn cảnh Nhà máy thủy điện Trị An. Từ các tượng danh nhân đến những tấm huân chương công trạng… Tất cả được bao bọc cẩn thận, đặt thật trang trọng. Vị tướng già hóa thành người thuyết minh rất có duyên đối với các “bảo vật” của mình.Tân Bình, tháng 4 năm 1997 |
|
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét