“Tôi được trang bị ống nhòm này năm 1967, khi được đề bạt là Phó tham mưu trưởng Miền phụ trách tình báo, đặc công, biệt động. Tôi mang theo khi đi quan sát chiến trường, theo dõi các trận đánh...” - Thiếu tướng Trần Văn Danh, người vẫn được gọi bằng cái tên trìu mến Ba Trần, Ba Danh bắt đầu kể cho chúng tôi câu chuyện về chiếc ống nhòm của mình như thế.
Thiếu tướng Trần Văn Danh kể: “Trong trận trực tiếp chỉ huy đặc công, trinh sát Miền đánh chiếm căn cứ truyền tin của địch ở núi Bà Đen, tháng 1 năm 1975, chiếc ống nhòm này giúp tôi quan sát tình hình địch, các mũi tiến công của ta, chỉ huy các đơn vị hiệp đồng chiến đấu. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi tham gia chỉ huy 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, tiểu đoàn đặc công và 3 tiểu đoàn, 11 đại đội biệt động tham gia chiến dịch. Lúc đầu nhiệm vụ của các đơn vị đặc biệt này đánh vào các mục tiêu trọng yếu như Đại sứ quán Mỹ, đài phát thanh, đài truyền hình, Dinh Độc Lập. Nhưng sau đó do sự phát triển thần tốc của chiến dịch, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định thay đổi nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt này, giao cho nhiệm vụ phải đánh chiếm các đầu cầu, chiếm giữ và bảo vệ bằng được không cho địch phá, chiếm lại. Quân ta đánh mở cửa các bàn đạp vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới mạnh vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu, cơ quan đầu não của địch. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi bộ đội đặc công không những phải đánh chiếm mà còn phải bám trụ đánh địch, phản kích giữ cho được tất cả các cây cầu trên tất cả các hướng tiến quân. Từ ngày 27 đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, các trung đoàn đặc công, biệt động được sự giúp đỡ của nhân dân đã bí mật ém sẵn lực lượng và sau đó đánh chiếm các cây cầu bắt đầu từ cầu Rạch Chiếc, Rạch Cát, Bình Phước, cầu xa lộ Biên Hòa, cầu Ghềnh… Các trận chiến đấu chiếm giữ các cây cầu trên đường tiến quân vào thành phố diễn ra vô cùng ác liệt. Bộ đội đặc công với lực lượng không lớn nhưng đã đánh lui hàng chục đợt phản kích của địch, bảo vệ bằng được cầu cho đến khi các binh đoàn thọc sâu tiến vào được nội thành, góp phần quan trọng vào thắng lợi nhanh chóng của chiến dịch và bảo vệ các cơ sở kinh tế thiết yếu cho đời sống dân sinh như nhà máy điện Chợ Quán, nhà máy nước Thủ Đức, tổng kho xăng Nhà Bè, kho lương thực, đồng thời phối thuộc, tạo sức mạnh cho quần chúng nổi dậy giải phóng xây dựng chính quyền cách mạng. Chiếc ống nhòm này đã theo tôi trong tất cả các trận đánh, đối với tôi thực sự là một đôi mắt tinh tường cho đến tận ngày giải phóng”…
Sau giải phóng, ông nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản về an ninh quốc phòng, rồi Phó tư lệnh Quân khu 7 kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh. Rồi ông được chuyển ra ngoài giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị thành ủy lần thứ 4 khóa III, ông mạnh dạn đề xuất ý kiến của mình xây dựng công trình thủy điện Trị An. Được Trung ương chấp thuận, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Năng lượng.
Với những đóng góp đó, ông đã được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1990, ông là một trong số rất ít các vị tướng, các vị lãnh đạo có tầm cỡ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét