Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Hạnh phúc được sống lại cùng ký ức( Ba Tôi


Hạnh phúc được sống lại cùng ký ức
Đoàn người về thăm chiến trường Bà Đen

TT - Tặng thưởng của UBND TP.HCM  (trong khuôn khổ của “Giải thưởng VHNT TP.HCM”, giải thưởng hai năm một lần) trao cho phim tài liệu Người từ hai cuộc chiến bước ra (ngoài ra còn có phim truyện Mùa len trâu).
Bài viết dưới đây đề cập đến phim tài liệu (xin viết tắt NTHCC).
Chuyện của một con người - thiếu tướng Trần Văn Danh (Ba Trần) - nhưng lại gồm cả toàn cảnh đất nước VN qua những chặng đường lịch sử. Giai điệu nhạc mở đầu Một đời người một rừng cây ngầm báo hiệu cách nhìn sẽ chi phối toàn bộ phim NTHCC, đồng thời là thông điệp về sự gắn bó qua lại giữa cá nhân với lịch sử.

Con người ấy bước ra từ hai cuộc chiến, thoạt nghe dễ nghĩ lần lượt cuộc chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, kỳ thực lại khái quát rộng hơn cho hai chặng đường - “tướng trong thời chiến” và “tướng trong thời bình xây dựng”.

Cố thiếu tướng Ba Trần
Tướng Ba Trần mang theo cuộc đời mình nguyên vẹn khí phách của quê hương mười tám thôn vườn trầu Hóc Môn. Thời kháng chiến chín năm ở chiến khu D, một địa danh đem lại nỗi khiếp sợ cho đối phương đến mức thành câu vè “Chiến khu D đi dễ khó về. Lính vô mất mạng, quan về mất lon”. Sau đó, giai đoạn kháng chiến giành thống nhất trên 20 năm, tướng Ba Trần đảm nhiệm vai trò tham mưu phó Miền, phụ trách tình báo, đặc công, biệt động. Đến thời bình, sự kiện nổi bật là việc tướng Ba Trần được giao làm trưởng ban chỉ đạo công trình xây dựng thủy điện Trị An...
Đó là vắn tắt “đường dây” sự nghiệp của tướng Ba Trần được thể hiện trên phim. Cũng thoạt tưởng một phim chân dung mang tính chất kê khai lý lịch đơn điệu. Nhưng sâu xa hơn thế, NTHCC đem lại những thước phim rất giàu cảm xúc. Bộ phim đan cài nhiều đoạn phim tư liệu với phát biểu của những nhân chứng trong cuộc, tạo nên âm hưởng khách quan khi vẽ nên chân dung một tướng lĩnh đồng hành trong lòng dân tộc.
Vẻ đẹp ấy rõ nét nhất trong hai phân đoạn phim. Một, một phái đoàn gồm những người trong cuộc trở lại thăm chiến trường xưa nơi núi Bà Đen. Trên 30 năm trước, vào tháng 12-1974, tướng Ba Trần chỉ huy cuộc chiến kéo dài 31 ngày đêm đánh bật đối phương ra khỏi cứ điểm trên đỉnh núi, tạo nên lợi thế cực kỳ to lớn trong sự phát triển chiến lược vào xuân 1975. Hai, cũng là một cuộc trở lại, về lại lòng hồ Trị An, với đoàn người trong cuộc để bồi hồi nhớ lại thời điểm ngày 1-12-1987 tổ máy số 1 chính thức phát điện, Nhà máy thủy điện Trị An có công suất gấp mấy lần so với thủy điện Đa Nhim, chấm dứt cảnh điện năng miền Nam rơi vào ảm đạm chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.
Vị tướng lĩnh cầm trịch Ba Trần không có mặt trong cả hai cuộc trở lại thăm chiến trường “thời chiến” lẫn “thời bình” kể trên vì ông đã hóa người thiên cổ. Nhưng ông vẫn sống trong tâm khảm đồng đội. Quá khứ không được phép rơi vào quên lãng, đó là mệnh lệnh từ trái tim.
Bộ phim NTHCC kéo dài sáu tháng mới hoàn thành (khoảng tháng 11-2004), êkip làm phim phải lặn lội đi tìm và gặp gỡ nhiều nhân chứng trong Nam ngoài Bắc.
“Trong khi đi tìm tư liệu cho bộ phim chân dung, tôi đã phát hiện những người từng góp sức cưu mang một số cán bộ cao cấp, tướng lĩnh của ta. Bộ phim này đã một lần phát trên Đài truyền hình TP.HCM và một số đài tỉnh khác, sau đó nhiều người trong cuộc, có tên tuổi hoặc không, bày tỏ sự cảm ơn. Đúng ra là tôi phải cảm ơn họ. Với người làm phim tài liệu như chúng tôi, nhận được những động viên như thế, đó là hạnh phúc lớn nhất không gì so sánh nổi”, đạo diễn Mai Bằng cho biết.        
Đạo diễn Mai Bằng
Cùng khóa đào tạo với Nguyễn Vinh Sơn, Hồ Ngọc Xum... nhưng Mai Bằng lại chọn phim tài liệu. “Tôi cho là phim tài liệu có ưu thế hơn trong nắm bắt những gì cuộc sống đang yêu cầu. Có lẽ một phần tôi chịu ảnh hưởng quan niệm từ cha tôi (đạo diễn Mai Lộc).


Và tôi đặc biệt yêu thích tư tưởng và phong cách của anh Trần Văn Thủy trong phim Chuyện tử tế, Một cõi tâm linh”.
Mảnh đất cho phim tài liệu hiện nay cũng không mấy rộng rãi, chỉ nhúm người dám gắn cả đời mình cho phim tài liệu, trong đó có Mai Bằng. Có ai lại đi trả giá cho tình yêu của mình bao giờ? Hạnh phúc vẫn có, Mai Bằng khẳng định một lần nữa, như lần này - với phim Người từ hai cuộc chiến bước ra.

ANH THƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét