Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Thiếu tướng Trần Văn Danh, từ tướng tình báo đến tướng kinh tế ( là Ba tôi )

Vị tướng trận mạc trong mùa Xuân đại thắng

Trong chiến dịch Phước Long chuẩn bị mở màn cuộc Tổng tiến công mùa xuân đại thắng 1975, Ba Trần được giao trực tiếp chỉ huy trận đánh chiếm núi Bà Đen, một trung tâm viễn thông chiến lược quốc tế, thu tin mã thám và là đài không lưu thông báo cho B52 cùng các loại chiến đấu cơ của địch bay đi oanh tạc ở miền Bắc và hai nước Cam-pu-chia, Lào trên bán đảo Đông Dương; cùng lúc thực hiện nhiệm vụ thứ hai là thu hút hỏa lực của lữ đoàn 81 biệt kích dù, các phi đội chiến đấu F5E của quân đoàn 3 ở Biên Hòa, sư đoàn 25 bộ binh ngụy... Toàn bộ những hoạt động này nhằm phối hợp với cánh quân của ông Năm Ngà (Thượng tướng Nguyễn Minh Châu) đang đánh Tánh Linh – Võ Đắc kềm chế sư đoàn 18 bộ binh ngụy và ngăn chặn không cho các lực lượng của địch yểm trợ Phước Long. Phước Long chính là trận địa của Quân đoàn 4 do ông Năm Thạch (Thượng tướng Hoàng Cầm) chỉ huy.

Trước khi bước vào đợt hai mùa khô năm 1975 theo nhận định chung của Bộ tổng tư lệnh, tình hình quân địch ở chiến trường B2 đã có một số thay đổi. Cái đau nhất của Mỹ, ngụy là công việc bình định, mà chúng đã bỏ ra công sức và tiền của, đến lúc ấy đã bị thất bại nặng nề. Thất bại rõ nét nhất lại là ở đồng bằng sông Cửu Long nơi đông dân và giàu có mà chúng mong làm chỗ dựa cuối cùng. Sau khi đã cố sức mở các cuộc hành quân tái chiếm và giải tỏa trong tháng Giêng ở biên giới Kiếân Tường - Chợ Gạo - Mỹ Tho, Thầy Phó - Trà Vinh, Thới Bình - Cà Mau, khu vực Rạch Giá đi Hà Tiên mà không có kết quả, còn bị thiệt hại. Ở đồng bằng địch phải chuyển qua chuẩn bị để chống lại đợt tấn công mới của ta mà chúng dự đoán là vào trước dịp Tết âm lịch (khoảng 10 tháng 2). Ở miền Đông Nam Bộ chúng định tập trung quân cố đánh chiếm trở lại thị xã Phước Long bằng “Chiến dịch 271” nhưng không thành vì bị đánh khắp nơi, không tập trung được lực lượng đủ sức. Trước tình thế ấy, chúng xoay sang với nỗ lực rất cao để chiếm lại núi Bà Đen - một vị trí thiết yếu, không những phục vụ cho việc phòng thủ miền Đông Nam Bộ, Sài Gòn mà còn để bảo vệ cho Cam-pu-chia – Phnôm-pênh của chính quyền ngụy Lon-non nữa. Từ ngày 20 đến ngày 26 tháng Giêng, quân đoàn 3 ngụy có đại biểu của bộ tổng tham mưu tham dự đã sử dụng lực lượng của tiểu khu Tây Ninh và sư đoàn 25 với sự yểm trợ cao của pháo binh (bình quân bắn trên 6.000 quả/ngày) và phi cơ (84 lần chiếc/ngày), đánh phá vào khu vực núi hết sức ác liệt. Chúng đã dùng 29 trực thăng đổ quân nhiều đợt cố chiếm lại cứ điểm trên đỉnh núi nhưng đều bị ta đánh trả quyết liệt, bị thiệt hại nhiều sinh lực, mất nhiều phi cơ và trực thăng. Không những thế, qua theo dõi tin tình báo và lực lượng trinh sát mặt đất nắm được: để chuẩn bị đánh chiếm núi Bà Đen, Mỹ-ngụy còn tập kết một số máy bay trực thăng cùng với xung lực ở Bản Kéo cách đó không xa để chở quân đổ bộ. Chớp thời cơ, đêm 25 tháng Giêng năm 1975 (nghĩa là trước chưa tới một ngày địch khởi sự), Trần Văn Danh đã kịp thời chỉ đạo tập trung hai khẩu pháo 105 ly và sáu khẩu cối 61ly. Vào lúc 03 giờ sáng dồn dập nã đạn vào bãi để máy bay của đối phương. Bị giáng trả bất ngờ, địch không kịp trở tay đối phó. Phần lớn máy bay bị phá hủy và nhiều quân lính bị đền tội. Qua hai đợt tấn công cả phía sau và phía trước của ta, kết cục địch đành nhận thất bại cay đắng, lui về phòng thủ Tây Ninh. Thắng lợi rất có ý nghĩa của mặt trận tấn công chiếm vị trí núi Bà Đen và giữ vững vị trí trước sự phản kích quyết liệt của địch là một chiến công hết sức rực rỡ của một đơn vị nhỏ mà tinh nhuệ của ta. (Thượng tướng Trần Văn Trà)

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với kế hoạch giải phóng Sài Gòn được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua ngày 24/4/1975 Ba Trần có nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đặc công, biệt động bí mật chiếm giữ trước và bảo vệ an toàn 16 cây cầu dẫn vào Sài Gòn để mở đường cho đại quân ta tiến vào trung tâm thành phố và ngăn chặn không cho địch phá hoại những mục tiêu quan trọng như: Đài phát thanh, kho xăng, nhà máy điện, nhà máy cấp nước, kho tàng, hồ sơ lưu trữ. Các chiến sĩ tình báo, đặc công, biệt động thành dưới sự chỉ huy của Ba Trần đã anh dũng, mưu trí, táo bạo làm chủ và bảo vệ an toàn các mục tiêu. Nhiều chiến sĩ biệt động, đặc công đã ngã xuống bảo vệ cầu Rạch Chiếc, Sài Gòn, Bình Lợi, Bình Triệu, Bình Điền… trước giờ giải phóng Sài Gòn… 

Gần một giờ đêm 30/4/1975, ngay giữa Sài Gòn vừa giải phóng, ông Phạm Hùng – Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã công bố quyết định của Đảng và Nhà nước trong trường hợp đặc biệt: Phong đồng chí Trần Văn Danh hàm Thiếu tướng, nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch ủy ban Quân quản thành phố về an ninh quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Sài Gòn – Gia Định” 

Vị tổng quản Thủy điện Trị An

Năm 1978, sau khi thôi giữ chức Tư lệnh lực lượng vũ trang thành phố, ông sang làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Là một nhà tình báo, ông luôn coi trọng mọi hồ sơ tài liệu. Trên cương vị của mình, nhân lúc phân loại các hồ sơ mật của chính quyền Sài Gòn để lại. Qua nghiên cứu phân tích nhiều loại, nào là quân sự, kinh tế, chiến tranh tâm lý, may mắn thay, trong số đó ông bắt gặp sơ đồ thiết kế công trình thủy điện Trị An. Chưa biết trong ấy họ nói những gì chi tiết nhưng chắc chắn đó là điều mà xã hội đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, bởi quy mô công trình nó lớn quá, nếu đầu tư công, của không đơn giản chút nào. Trong khi đó tình hình đất nước còn cực kỳ khó khăn, vả lại ông vốn là một người lính chủ yếu quen với trận mạc. Khả năng kiến thức về xây dựng công trình tầm cỡ quốc gia như thế đòi hỏi kỹ năng khoa học cao mới đủ lý luận và thực tiễn để thuyết phục... Trong một hội nghị Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 khóa 3 năm 1984, ông trình bày luận điểm của mình với cơ quan lãnh đạo cao nhất của thành phố. Tuy nhiên cũng có những ý kiến tranh luận qua lại, phân tích để thêm sáng tỏ. Song, cơ bản nhất trí rất cao. Đặc biệt ông Võ Văn Kiệt, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy tỏ vẻ rất phấn chấn.

Sau chuyến ra Hà Nội của đồng chí Bí thư Thành ủy, Trung ương và Chính phủ đã đồng ý căn bản đề nghị của thành phố Hồ Chí Minh. Và chính ông được ông Võ Văn Kiệt đề nghị giữ vai trò chỉ đạo công trình và đề đạt lên Trung ương. Và sau đó ít lâu, ông được Trung ương, Chính phủ điều động sang làm Thứ trưởng Bộ Năng lượng kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình thủy điện Trị An. Tính khẩn trương của công trình một lần nữa thách thức vị tướng tài ba: rà phá bom mìm trong vùng căn cứ chiến khu D, khảo sát địa chất, tiến hành thi công, hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật… Công trình thủy điện đầu tiên của miền Nam sau giải phóng với công suất thiết kế 400 mêga oát (400 MW – 4 tổ máy), sản lượng điện bình quân mỗi năm 1,7 tỷ KWh. 

Để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cần huy động mọi nguồn lực xã hội. “Tất cả vì Trị An”, “Tất cả vì dòng điện sáng ngày mai của Tổ quốc”. Hàng vạn lượt thanh niên, công nhân không quản đêm ngày cùng vị chỉ huy đã không những hoàn thành công trình đúng tiến độ mà còn tiết kiệm hơn 10 triệu USD, 3.000 tấn thép trả lại cho Liên Xô. Tổng kinh phí xây dựng công trình 200 triệu USD, ngày 13/9/1989 tổ máy số 4 vận hành. Đã có ít nhất hai lần, bọn phản động âm mưu phá hoại công trình thủy điện nhưng với tinh thần cảnh giác cao và kinh nghiệm của một vị Tướng tình báo ông Ba Trần đã chỉ đạo các lực lượng công an, trinh sát, tình báo của ta phá âm mưu đen tối của kẻ địch.

Qua gần 12 năm công trình đi vào hoạt động, đã tạo ra một hiệu quả vô cùng to lớn cả về kinh tế, xã hội… cho hàng chục triệu con người. Đặc biệt, tăng sản lượng điện đáp ứng cho các khu công nghiệp ở các tỉnh thành phố miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long tăng thêm hấp dẫn mời gọi đầu tư nước ngoài vào làm ăn với ta, thu hút hàng triệu lao động có công ăn việc làm ổn định cuộc sống. Ánh điện đã về tới những bản làng hẻo lánh xa xôi, làm cho bộ mặt nông thôn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và căn cứ kháng chiến thay đổi rõ.

Năm 1945, Thiếu tướng Anh hùng lao động Trần Văn Danh tham gia cách mạng. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trên nhiều cương vị công tác, ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Trần Văn Danh luôn trăn trở trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn. Ông đã đề ra phương án xây dựng nhà máy Thủy điện Trị An và được chấp nhận. Sau đó, Trần Văn Danh được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Điện lực, kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình Thủy điện Trị An. Đây là công trình thủy diện có tác dụng to lớn trong việc phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế văn hóa và phục vụ đời sống nhân dân nhiều địa phương thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam. Ông đã dày công nghiên cứu, lặn lội khắp nơi vận động, tập hợp sức người, sức của trong nhân dân, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế nhất là Liên Xô cũ. Trần Văn Danh luôn thể hiện phẩm chất của người đảng viên Cộng sản lão thành, không quản ngại tuổi cao, sức yếu, có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình công tác, gần gũi và cảm thông với mọi thành viên trên công trình, trở thành tấm gương cho mọi người học tập.

‘’Đồng chí Ba Danh là người bạn tận tình phục vụ Tổ quốc, có tài năng trong đánh giặc và có tài năng trong xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý’’ (Đại tướng-Bộ trưởng Lê Đức Anh viết khi ông được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động)

“người chỉ huy cương nghị, tổ chức và xây dựng thắng lợi công trình thủy điện Trị An lịch sử” (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt)

“Đồng chí Trần Văn Danh luôn nêu cao phẩm chất của người đảng viên cộng sản, không quản tuổi cao sức yếu, có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình hăng say công tác, gần gũi và cảm thông với mọi thành viên trên công trình, trở thành tấm gương sáng cho mọi người học tập” (trích Bản tuyên dương Anh hùng lao động)

Tham khảo: Báo Đồng Nai, Bảo tàng Lịch sử Quân sự.



Link >>.http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,1667.50.html>.
     người sao chep   >>>  thượng tá cong an Trần Văn Thuần >>Nghỉ Hưu Là con trai lớn của Trần văn Danh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét